Scroll to Top
Sự tích về lễ Vu Lan theo quan niệm của Phật giáo
1045 views

Nói tới lễ hội Vu Lan là nói tới bản hạnh hiếu để của Tôn giả Mục Kiền Liên. Ngài là nhân vật có thật trong lịch sử sinh cùng thời với Đức Phật Shākyamuni. Tên thật của ngài là Kolitha Moggallana.

Sự tích của lễ Vu Lan

Theo các sách sử hay Kinh Phật giáo thì Mục-Kiền-Liên chào đời tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna của vương quốc Magadha, nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ông được cho là thuộc dòng dõi Mudgala, tức là “Thiên văn gia”. Tầng lớp Mudgala thuộc giai cấp quý tộc, được tôn kính và giàu có, vì vậy Mục-Kiền-Liên từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, không thiếu thốn bất cứ món gì và được hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh theo truyền thống Bà la môn giáo.

Tuy nhiên, trong một lần cùng người bạn Upatissa (sau này là Tôn giả Xá Lợi Phất) dự hội “Hội Sơn Thần”, ông chợt ngộ ra và tâm tưởng về Tử Biệt Sinh Ly giữa cuộc đời. Từ đó, hai người quyết định tìm đường Giải thoát, sống đời Đạo sĩ, thoát ly gia đình, dứt bỏ mọi sự buộc ràng của giai cấp của Bà la môn.

Trên bước đường cầu đạo, ông cùng Xá-Lợi-Phất đã thỉnh giáo nhiều đạo sĩ cao nhân, tiếp thu nhiều tư tưởng triết học khác nhau. Tuy nhiên, cả 2 đều sớm nhận ra những khiếm khuyết của các giáo thuyết, vì vậy cả 2 tiếp tục tìm kiếm. Một lần khi ra phố, Xá-lợi-phất vô tình gặp Tôn giả Assaji (Mã Thắng), một trong 5 vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật Shākyamuni. Được Assaji khai ngộ về Tứ diệu đế, Xá-Lợi-Phất liền đắc Pháp nhãn (Dhamma Cakkhu) chứng quả Nhập Lưu – Tu Ðà Hườn (Sotàpatti). Sau khi về nơi trọ, ông thuật lại cho Mục-Kiền-Liên nghe. Cũng như Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên nhanh chóng giác ngộ đạo giải thoát nhờ vào khai thị của Tôn giả Assaji. Từ đó, 2 ông gia nhập Tăng đoàn và trở thành một trong những Thánh chúng nổi bật nhất được ghi nhận trong Lịch sử Phật giáo.

Trong hàng Thánh chúng, ngài Mục-Kiền-Liên không những là vị Tôn giả thần thông số một, bản tánh năng động mà còn là một vị có hiếu đạo bậc nhất. Sau khi đắc quả A-la-hán nhớ đến công lao sinh thành của mẹ ngài liền vận dụng thần thông đi khắp trên trời dưới đất để tìm mẹ. Khi vào địa ngục,Mục-Kiền-Liên thấy mẹ bị đọa làm quỷ đói, thân hình tiều tụy đói ăn khát uống. Thương mẹ một tay ngài gạt nước mắt một tay làm phép dâng cơm cho mẹ. Mừng quá, nhưng vì tánh bỏn xẻn bà Thanh-đề dùng tay trái che bát giấu kẻ khác, tay phải bốc cơm đưa vào miệng. Nhưng cơm vừa tới miệng đã hóa thành lửa đỏ, bà không thể nào ăn được. Mục-Kiền-Liên rơi nước mắt, lòng buồn vô tận! Ngài vận đủ mọi phương tiện để cứu mẹ, nhưng mọi phép thần thông vẫn không có kết quả.

Ngài trở về bạch Phật sự tình và hỏi lý do. Đức Phật từ bi dạy rằng:

– Này Mục-Kiền-Liên, lúc sanh tiền mẹ ông đã hủy Phật báng Tăng, không tin nhân quả luân hồi, lại rất bỏn xẻn, chẳng bao giờ bố thí cho ai, kể cả 1 hạt hạt gạo cho con kiến cũng không. Vì thế, sau khi chết bà phải chịu quả báo như thế. Ông tuy là con người hiếu đạo, thương cha nhớ mẹ, muốn đền đáp thâm ân, nhưng sức của ông có hạn. Dù có thần thông, một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực cho mẹ. Ông hãy đợi đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, chư Tăng thanh tịnh sau 3 tháng an cư kiết hạ, thiết lễ Vu Lan nhờ sức chư đại Tăng cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát khỏi được cảnh địa ngục.

Theo như lời Phật dạy, ngày Rằm tháng Bảy, ngài Mục-Kiền-Liên thiết lập trai đàn dâng cúng dường mười phương Tăng chúng, cầu hùng lực đại Từ đại Bi của chư đại Tăng chú nguyện. Với đạo nghiệp thanh tịnh tấn tu trong 3 tháng hạ, nguyện lực của chư Tăng không những cứu giúp cho bà Thanh-đề mà còn nhiều người khác trong ngày đó cũng được thoát khỏi cảnh địa ngục tối tăm.

Kinh Vu Lan, lễ Vu Lan có từ đó. Tên gọi Vu Lan Bồn (Ullambana) có nghĩa là “cứu cái khổ bị treo ngược”.

Nguồn: http://mixi.vn